Để người khuyết tật tiếp cận tốt hơn chính sách y tế và giáo dục
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội thảo, đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật về y tế và giáo dục đối với người khuyết tật.
Tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho biết, qua kết quả khảo sát về nhận thức, thực trạng nhu cầu tìm hiểu chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, y tế và giáo dục của người khuyết tật, Hội Người mù Việt Nam phối hợp tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đưa ra bản khuyến nghị về chính sách y tế, giáo dục đối với người khuyết tật, nhằm lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng và sửa đổi các chính sách này trong thời gian tới.
Người khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách y tế
Tại hội thảo, Phó Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách y tế đối với người khuyết tật.
Hiện nay, ngân sách nhà nước mới chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với mức chi trả 100% đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Trong khi đó, nếu người khuyết tật nhẹ không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể hưởng chính sách cho các đối tượng này, không có việc làm để tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì sẽ không được hưởng chính sách nào về bảo hiểm y tế, trong khi người khuyết tật nhìn chung có sức khỏe yếu và thường phải tham gia khám, chữa bệnh rất nhiều.
Bởi vậy, cần sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (năm 2014), trong đó có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật nhẹ nhằm tạo điều kiện để họ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đồng thời, cần mở rộng phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng khi sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng và các dịch vụ kỹ thuật cao trong quá trình khám bệnh chữa bệnh phục hồi chức năng, bao gồm các dịch vụ phục hồi chức năng tâm lý cho người khuyết tật trí tuệ, thần kinh, tâm thần..., để nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi khoản 7, 8 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế, để việc khám, điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt ở mức độ nặng và các dụng cụ phục hồi chức năng như nạng, nẹp cho người khuyết tật vận động, kính mắt, gậy định hướng cho người khiếm thị, máy trợ thính, ốc tai điện tử cho người khiếm thính vào danh mục vật tư y tế do bảo hiểm y tế chi trả hoặc hỗ trợ một phần theo tỉ lệ hay quy định mức thanh toán tối đa.
Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cũng chia sẻ, các khuyến nghị của Hội Người mù Việt Nam đưa ra với mong muốn người khuyết tật ngày càng được bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống, khuyến nghị cũng mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành khác có liên quan, rà soát và ban hành các văn bản quy định các cơ sở y tế (công lập và tư nhân) xây dựng hoặc có lộ trình xây dựng cơ chế và biện pháp bảo đảm người khuyết tật tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức bình đẳng và phù hợp đối với người khuyết tật, bao gồm cả việc bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận cơ sở vật chất, tiếp cận các trang thiết bị y tế hay các thông tin, thủ tục trong quá trình khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng (như có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, có ký hiệu chữ Braille, âm thanh, văn bản điện tử hoặc xây dựng các ứng dụng trên điện thoại thông minh phù hợp)...
Mở rộng cơ hội học tập cho người khuyết tật
Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Trí, một trong những khó khăn nhất, chính là cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục người khuyết tật và về khả năng phát triển của người khuyết tật khi được giáo dục.
Hiện nay, mặc dù theo khoản 3, Điều 27, Luật Người khuyết tật: Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, chưa có các cơ chế và biện pháp bảo đảm thực hiện cho vấn đề này.
Các chương trình chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa bằng chữ Braille từ trước đến nay đều do nguồn vận động tài trợ nên mặc dù ngành giáo dục, Hội Người mù và các tổ chức khác đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện sách giáo khoa chữ Braille vẫn còn thiếu thốn.
Khuyến nghị cũng đề xuất, cần có cơ chế phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước cũng như phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan chức năng để chủ động trong việc chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đặc thù thiết yếu cho người khuyết tật; huy động thêm nguồn lực cho công tác này.
Mặt khác, nhà nước cần bổ sung, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi sách giáo khoa, tài liệu… sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật như: chữ Braille, audio, văn bản điện tử, chữ phóng to, ngôn ngữ ký hiệu…
Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, trang thiết bị, đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cải thiện điều kiện tiếp cận cơ sở vật chất, hạ tầng trường học và có những biện pháp điều chỉnh hợp lý, bảo đảm quyền được học tập cho người khuyết tật. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, cần lưu ý cung cấp nền tảng trực tuyến dễ tiếp cận đối với từng dạng tật, hỗ trợ các đối tượng không thể học online như trẻ em tự kỷ.
Đến nay, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh mới chỉ được thành lập ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Việc học hòa nhập của người khuyết tật ở nhiều nơi chưa có trung tâm này sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ và UBND, HĐND các địa phương mở rộng xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập các cấp, xây dựng phòng hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các trường... để thúc đẩy chất lượng giáo dục người khuyết tật. Chính quyền địa phương bảo đảm hệ thống hỗ trợ giáo dục từ các trung tâm-trường học-cộng đồng được thành lập và vận hành hiệu quả...
Kết quả khảo sát của Hội Người mù Việt Nam và một số tổ chức quốc tế với 200 người khuyết tật thuộc thành phố Hà Nội (12/2020) cho thấy, nhận thức của người khuyết tật về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực nêu trên nhìn chung đều rất thấp. Số người khuyết tật có nhận thức đầy đủ, chính xác về chính sách, pháp luật cao nhất là về lĩnh vực y tế cũng chỉ chiếm 34,37%, tiếp đến là lao động, việc làm với 26,25% và về lĩnh vực giáo dục là 24,37%.