Cần một cơ cấu kinh tế đặc thù cho miền trung "cất cánh"
Nhận định trên được PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế miền trung - Giải pháp phát huy sức mạnh miền trung trong giai đoạn mới do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15-8, tại Đà Nẵng.
Tiềm năng về kinh tế biển
Vùng duyên hải miền trung gồm năm tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền trung gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bốn tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, với diện tích tự nhiên là 49.409,7 km2, chiếm 14,93% diện tích cả nước.
Lãnh thổ của Vùng nằm ven biển, trải dài với 1.430 km bờ biển, hẹp theo chiều ngang, chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng. Địa hình của vùng tương đối đa dạng với nhiều đồng bằng nhỏ hẹp ven biển, bị chia cắt bởi các dãy núi và nhiều con sông lớn. Dân số trung bình theo thống kê là 10,09 triệu người (năm 2012), chiếm 11,36% dân số cả nước, mật độ bình quân là 204,4 người/km2.
Chính vì vậy, Duyên hải miền trung có những đặc điểm và điều kiện phát triển rất khác biệt với hai miền bắc và nam. Những khác biệt đó cộng với vị trí địa lý “khúc ruột miền trung” ở giữa đất nước làm cho Duyên hải miền trung đóng một vai trò - chức năng phát triển đặc thù trong nền kinh tế quốc dân. Đó là một thực tế và tiếp tục sẽ là một thực tế trong tương lai.
Là “mặt tiền” của đất nước nhìn ra biển Đông, nên miền trung có ưu thế đặc biệt quan trọng về kinh tế biển. Nhìn chung, các địa phương Duyên hải miền trung có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ. Chưa có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, nhất là các tuyến đường cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngoài các đô thị lớn trong Vùng có phát triển hơn, nhưng nhìn chung trình độ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung cả nước, nhất là chỉ tiêu GDP bình quân trên đầu người, tỷ lệ đô thị hóa, các chỉ tiêu an sinh xã hội. Quy mô thị trường nhỏ, khả năng thanh toán của người dân thấp - ông Thiên đánh giá.
Lợi thế mang tính “khác biệt”
Để định vị đúng định hướng tư duy và chiến lược phát triển cho Duyên hải miền trung, trước hết, cần bắt đầu từ vị trí địa lý, tài nguyên - Đó là lợi thế mang tính khác biệt. Theo ông Thiên, cần làm rõ những khác biệt và vai trò - chức năng đặc thù và căn cứ vào thực tế phát triển của chính miền trung, với những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tế đó, có thể nêu một số nhận định có ý nghĩa đối với việc xác lập tư duy và chiến lược phát triển phù hợp cho miền trung!
Ông Thiên cũng chỉ ra rằng, “với tất cả sự khác biệt và đặc sắc của mình, miền trung không thể phát triển theo cách của miền nam và miền bắc, cho dù đó là những cách mang lại thành công”.
Miền trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Miền trung cũng không thể phát triển du lịch và đô thị giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ - ông Thiên khẳng định.
Với phân bố địa lý và kiểu dáng đặc biệt của mình, miền trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai vùng Bắc Bộ và Nam Bộ. Trong mấy năm gần đây, tư duy phát triển và việc thiết kế chiến lược vẫn chưa thoát khỏi sự-ám-ảnh của công thức phát triển mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc “nước công nghiệp, tỉnh công nghiệp” được áp dụng cho hầu như tất cả các vùng và các tỉnh.
Quả thật, với những kết quả đạt được nhờ nỗ lực của vùng Duyên hải miền trung, chỉ trong mấy năm gần đây câu trả lời đang rõ dần... Nhưng ông Thiên nhận định, "cũng chỉ mới rõ dần, nhưng vẫn chưa đủ định hình chắc chắn, vẫn chưa được bảo đảm và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách “chính danh quốc gia”, bằng một mô hình phát triển và thể chế liên kết phát triển Vùng chính thống, có đủ hiệu lực và thực sự hiệu quả".
“Sự khác biệt mang tính đẳng cấp tiềm năng đó tạo cho Duyên hải miền trung thế mạnh hiếm có để phát triển một cơ cấu kinh tế đặc thù, ít nhất cũng là so với hai Vùng được coi là nhiều thuận lợi hơn ở hai đầu đất nước - Đặc thù về cơ cấu phát triển” - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.