“Các sao” quyết định tất cả?
Thế hệ đàn anh trước đây của đội tuyển Pháp đã “bỏ túi” hai chiếc Cúp vô địch EURO vào các năm 1984 và 2000 và thế hệ hiện tại đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử - ba lần vô địch châu Âu, ngang bằng thành tích với Đức và Tây Ban Nha. Nếu xét theo lịch sử, Pháp có lợi thế trước Bồ Đào Nha. Hai đội từng gặp nhau tại vòng bán kết EURO 1984 và 2000, cả hai lần Pháp đều thắng và sau đó vô địch. Tại World Cup 2006, Pháp cũng thắng Bồ Đào Nha ở vòng bán kết với bàn thắng bằng phạt đền của Di-đan. Còn xét những màn trình diễn của hai đội bóng tính đến trận chung kết thì chênh lệch càng nghiêng về phía Pháp bởi “Gà trống” đang có những Gri-man, Pay-ét, Pô-gba... chơi thăng hoa và một thủ môn H.Lô-rít gần như không thể đánh bại. Gri-man và các ngôi sao khác đã giúp Pháp thắng Ai-xơ-len 5-2 ở tứ kết, nhưng có lẽ, người ta sẽ còn phải nói nhiều đến trận bán kết Pháp thắng Đức và nhất là Gri-man - ngôi sao tỏa sáng ở trận thắng lịch sử này. Các cầu thủ Đức vượt trội về kiểm soát bóng, chuyền bóng chính xác, số cơ hội... song vẫn thua vì không có “sát thủ” như kiểu Rô-nan-đô, Gri-man hay như Ga-rét Bêu. Cú sút phạt đền lạnh lùng, quyết đoán ở phút 45+2 của Gri-man không phải cầu thủ nào cũng làm được vì quá căng thẳng. Cơ hội ở phút 72 của anh không phải ai cũng “chớp” được để thành bàn thắng. Các cầu thủ Pháp đã có một trận đấu hay, đầy cố gắng, nhưng vai trò và công lao của ngôi sao đang khoác áo CLB Át-lê-ti-cô Ma-đrít Gri-man là rất lớn.
Trong khi đó, đội tuyển Bồ Đào Nha chưa bao giờ giành danh hiệu ở một giải đấu lớn, chỉ đạt ngôi á quân EURO 2004 trên sân nhà sau khi thua Hy Lạp trong trận chung kết; vào bán kết các kỳ EURO 1984, 2000 và 2012. Họ được xếp vào hàng đội mạnh, nhưng không được đánh giá cao như các đội Đức, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a... Ngay cả đường đến chung kết EURO 2016 của Bồ Đào Nha cũng đầy trắc trở và mong manh: hòa cả ba trận vòng bảng, thắng Crô-a-ti-a và Ba Lan ở vòng 1/8 và tứ kết sau 120 phút thi đấu và loạt đá luân lưu 11m đầy may rủi. Tuy nhiên, càng đá, “Bra-xin của châu Âu” lại càng chơi hay và tiến xa, tiến vững chắc đến trận cuối cùng. HLV Xan-tốt và ngôi sao C.Rô-nan-đô đã khiến đối thủ và giới chuyên môn bất ngờ. Đặc biệt, Rô-nan-đô là mẫu cầu thủ có thể làm được những điều không tưởng trong các trận đấu khó khăn. Chính nhờ hai bàn thắng vào lưới đội Hung-ga-ri của Rô-nan-đô ở vòng bảng mà Bồ Đào Nha mới có trận hòa 3-3 và “đỗ vớt” vào vòng sau. Bản lĩnh, kinh nghiệm và chiến thuật khó nắm bắt của HLV Xan-tốt và bàn thắng của Ca-rét-xma đã đưa Bồ Đào Nha vượt qua Crô-a-ti-a. Cũng như thế, Bồ Đào Nha thắng Ba Lan ở tứ kết mà chưa cần sự tỏa sáng của Rô-nan-đô. Trận bán kết then chốt trước Xứ Uên được coi là cuộc đối đầu giữa hai ngôi sao Rô-nan-đô và G.Bêu. Trận này, Bồ Đào Nha với đội hình đồng đều hơn và một Rô-nan-đô rực sáng, đã vượt qua Xứ Uên rất thuyết phục. Đây có lẽ là trận thắng thuyết phục nhất của Rô-nan-đô và đồng đội kể từ đầu giải.
Với HLV Xan-tốt nhiều mưu mẹo, với Rô-nan-đô xuất sắc, Bồ Đào Nha có quyền hy vọng nhiều hơn ngôi á quân năm 2004. Ở Trận chung kết, Bồ Đào Nha có sự trở lại của trung vệ Pê-pê sau chấn thương và không có sự vắng mặt nào do chấn thương và thẻ phạt. HLV Xan-tốt có trong tay mọi tiềm năng và nhiều khả năng ông sẽ lại sử dụng đội hình chiến thuật (4-4-2) như trận bán kết.
Còn HLV Đề-săm cũng rất may mắn khi không có bất cứ lo lắng nào về nhân sự bởi chấn thương và thẻ phạt. Có thể ông sẽ áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 với chân sút Gri-man trong vai trò của “cầu thủ số 10”, Pay-ét và Xi-xô-cô hỗ trợ ở phía sau. Mặc dù vậy, cho dù có ra sân với đội hình nào, đội tuyển Pháp với ưu thế ở hàng tiền vệ và tiền đạo, chắc chắn sẽ phải chơi tiến công nhiều hướng để phá vỡ tuyến phòng ngự kiên cố của Bồ Đào Nha và bù đắp điểm yếu ở hàng phòng ngự. Đây là cuộc đấu sức đấu trí hứa hẹn rất thú vị.